Chức năng, nhiệm vụ Phòng Thanh tra – Pháp chế và Đảm bảo chất lượng

1. Chức năng

a) Tham mưu và giúp Hiệu trưởng thực hiện quyền thanh tra nội bộ về GD&ĐT trong phạm vi nhà trường nhằm tăng cường hiệu lực quản lý, bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của trường;

b) Tổ chức việc tự kiểm tra, thanh tra thuộc phạm vi quản lý của trường theo qui định của pháp luật về thanh tra. Bảo đảm cho nhà trường hoạt động theo pháp luật và thực hiện nguyên tắc pháp chế.

c) Tham mưu cho Hiệu trưởng về công tác kiểm định và đảm bảo chất lượng;

d) Quản lý và tổ chức thực hiện các công tác về kiểm định và hậu kiểm định chất lượng của trường.

2. Nhiệm vụ

2.1. Công tác thanh tra

a. Xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm và tổ chức thực hiện sau khi được Hiệu trưởng phê duyệt. Theo dõi, tổng hợp tình hình công tác thanh tra định kỳ và báo cáo Hiệu trưởng;

b. Tổ chức các họat động thanh tra đột xuất theo sự chỉ đạo trong phạm vi, trách nhiệm quản lý của Hiệu trưởng. Trong quá trình tổ chức thanh tra nếu cần có thể đề xuất với Hiệu trưởng để có thể huy động cán bộ, viên chức trong trường để đảm bảo có đủ lực lượng hoàn thành nhiệm vụ được giao;

c. Thanh tra việc chấp hành pháp luật giáo dục đối với cá nhân, đơn vị trong trường. Qua họat động thanh tra, kiến nghị với Hiệu trưởng những vấn đề cần giải quyết, điều chỉnh và hoàn thiện đối với các qui định quản lý và các biện pháp chỉ đạo thực hiện nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của trường;

d. Thanh tra việc thực hiện quy chế, quy định và nhiệm vụ được giao đối với các đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của Hiệu trưởng;

e. Thực hiện công tác tiếp công dân và các vấn đề liên quan đến khiếu nại, tố cáo. Tổng hợp, báo cáo cho toàn trường về công tác thanh tra;

f. Phối hợp với Ban Thanh tra nhân dân trường tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra nhân dân ở các đơn vị trực thuộc trường và thực hiện công tác tự kiểm tra tài chính;

g. Chủ trì tổ chức việc thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, đào tạo, văn bằng, chứng chỉ trong phạm vi quản lý của trường;

h. Tổ chức thăm dò ý kiến người học về chương trình, nội dung, phương pháp và phong cách của giảng viên;

i. Tổ chức lấy ý kiến về các hoạt động của nhà trường, năng lực, thái độ, tác phong làm việc …của CBGVNV nhà trường định kỳ hàng năm;

j. Thực hiện hoạt động xác minh tính hợp pháp của tất cả các loại văn bằng, chứng chỉ do trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức cấp theo quy định của Trường và quy định của pháp luật.

2.2. Công tác pháp chế

a. Tham mưu giúp Hiệu trưởng về tính pháp lý của các văn bản hành chánh trước khi ban hành. Tổ chức công tác xây dựng và ban hành các văn bản áp dụng qui phạm pháp luật về giáo dục và đào tạo. Kiểm tra rà soát và hệ thống hóa các văn bản do nhà trường ban hành;

b. Tuyên truyền, triển khai, cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đào tạo, luật phòng chống tham nhũng, … các luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của trường;

c. Giúp Hiệu trưởng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trường, của CBGVNV và HSSV của trường;

d. Phối hợp với các đơn vị thẩm tra, xem xét, đề xuất biện pháp giải quyết đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến CBGVNV;

e. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nội quy quy chế cho CBGVNV, sinh viên và học viên của trường. Phối hợp với các phòng ban chức năng kiểm tra việc thực hiện pháp luật, nội quy, quy chế và kiến nghị những biện pháp xử lý vi phạm;

f. Giúp Hiệu trưởng chuẩn bị ý kiến góp ý cho dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước gởi xin ý kiến; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc sửa đổi bổ sung văn bản qui phạm pháp luật.;

2.3. Công tác đảm bảo chất lượng

a. Phối hợp với các Khoa đề xuất các điều chỉnh: nội dung, hình thức thi; nội dung và phương pháp dạy – học;

b. Quản lý việc thực hiện các đầu công việc của các đơn vị trong nhà trường theo hệ thống quản lý chất lượng ISO;

c. Tổ chức xây dựng kế hoạch định kỳ hướng dẫn các đơn vị khác thực hiện công tác kiểm định chất lượng tại đơn vị; Tổ chức tự kiểm định theo 9 tiêu chuẩn đánh giá trường cao đẳng; Đăng ký kiểm định chất lượng trường theo yêu cầu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

d. Thực hiện công tác tổng hợp, lưu trữ và báo cáo thống kê kết quả đánh giá trong và đánh giá ngoài theo quy định;

e. Tổ chức thực hiện; đề xuất các giải pháp triển khai công tác đảm bảo chất lượng giáo dục; phối hợp với các đơn vị chuyên trách trong nước để tổ chức các hoạt động hội thảo, bồi dưỡng, tập huấn về lĩnh vực đảm bảo chất lượng giáo dục;

2.4. Cung cấp thông tin, cập nhật lên website của đơn vị theo qui định;

2.5. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo kế hoạch do Hiệu trưởng phân công.

Chức năng, nhiệm vụ Phòng Thanh tra – Pháp chế và Đảm bảo chất lượng